Nằm tận cùng phía nam Phú Quốc, quần đảo An Thới là nơi tập trung dân cư đông đúc thứ hai sau thị trấn Dương Đông. Những hòn đảo nằm rải rác khu vực này là nơi thích hợp nhất để lặn biển ngắm san hô và tắm nắng trên những bãi cái hoang sơ vắng bóng người. Chuyến thăm An Thới là một trải nghiệm đầy hứng thú mà bất cứ phượt thủ nào cũng đều nên thử qua ít nhất một lần.
ĐƯỜNG ĐI ĐẾN AN THỚI
Xoay sở tay lái suốt đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ Sân bay quốc tế Phú Quốc đến An Thới, tôi mới thấm thía cái cảnh phải lội bùn, vượt dốc ở huyện đảo này. Song, hành trình hơn 1 tiếng ấy được trả công xứng đáng bằng chuyến đi lặn biển ở An Thới với nhiều điều thú vị, nhất là đối với những ai mới phượt Phú Quốc lần đầu.
May mắn thay, con đường Trần Hưng Đạo-đang-được-xây-và-bùn-lầy không phải là hướng đi duy nhất đến An Thới. Bạn có thể đến đây bằng đường Nguyễn Trung Trực, băng qua Bãi Sao, Nhà tù Phú Quốc trước khi thực sự đến với khu cảng cá nhộn nhịp này.
CẢNG CÁ TẤP NẬP – THUYỀN BÈ LẠI QUA
Dọc các cầu cảng, thuyền ghe neo đậu san sát nhau. Phía xa xa, các tàu đánh cá vây quanh cụm đảo ngọc xứ nam Phú Quốc. Người người lũ lượt, tiếng động cơ đan xen trong nếp sống hối hả của An Thới. Ấy thế mà, biển trời nơi đây lại thanh bình đến lạ, như những con sóng ngoài biển lớn kia vẫn đang lững lờ trôi.
An Thới là nơi thích hợp để du lịch quanh năm, dù vào mùa biển lặng hay khi gió chướng. Nếu sóng bờ đông bắt đầu mạnh hơn thì khách có thể dạo quanh bờ tây của quần đảo. Song, thời điểm du lịch thích hợp nhất thường là từ tháng 10 đến tháng 5 dương lịch năm sau, lúc ấy nước biển trong vắt một màu và bầu trời chỉ gợn vài áng mây. Cả quần đảo An Thới lúc đó như cô gái hây hây má hồng đương nở nụ cười duyên dáng đón khách đến viếng thăm.
Chúng tôi đi vào cuối tháng 6, khi mà các ngư dân đangchuẩn bị dong buồm ra khơi tìm mẻ cá lớn. Những chiếc tàu lớn chở hơn chục người, với ghe thùng đủ cả, sẽ rong ruổi ngoài vùng vịnh để chài cá. Cuộc sống rày đây mai đó đã tôi luyện cho họ một tấm thân cường tráng và tinh thần vững vàng. Hai tháng trôi qua và rồi họ lại trở về với cá tôm đầy ắp cả khoang.
“CHÁU ƠI, ĐI THUYỀN LẶN BIỂN HAY CÂU CÁ KHÔNG? ĐẸP LẮM”
Chiếc xe máy chở chúng tôi oằn mình suốt hơn cả tiếng đồng hồ, vượt qua mấy đoạn dốc, đường đá đỏ gồ ghề, rồi tắt máy vì bùn đất đủ thứ. May mắn thay, chúng tôi vẫn còn sung sức đến nỗi chỉ muốn nhảy lên thuyền và lặn cho đã. Khách đến đây, ngoài việc cầu may được ghép tour đi chung với các tàu lớn, có thể bỏ ra một khoản phí (100.000 – 150.000 đồng cho mỗi người), nhờ ngư dân chở ra các bãi lặn, đi câu cá hay ra các bãi cát dài và sưởi nắng.
Vừa đến cảng, chúng tôi đã được vài người địa phương đến chào giá cho một chuyến ra khơi ngắm san hô hay câu cá. Họ không ồn ào, mà kiên nhẫn chỉ dẫn chúng tôi những điểm đến ưa thích của An Thới: nào là hòn Dăm Trong, hòn Dăm Ngoài, hòn Dừa, hòn Vang, mũi Ông Đội, Giếng Tiên nơi ngày xưa vua Gia Long từng trú ngụ… Chúng tôi gặp chú Tư, một ngư dân trong vùng với vóc người nhỏ nhắn và làn da mặn mòi của người miền biển. Sau hồi lâu thảo luận, hai bên quyết định đi một chuyến cho ra trò: vòng ra các đảo rồi lặn ngắm san hô và cảnh An Thới trong buổi chiều tà.
Bước vội vào thuyền, chúng tôi chau mày nhìn chiếc xe máy đứng trơ trọi trên cầu cảng mà không ai canh chừng, song lúc sau cũng vững dạ đôi chút nhờ lời động viên của chú Tư: “Xe để đấy chẳng ai lấy đâu mà lo”. Động cơ bắt đầu nổ, chiếc thuyền rẽ sóng tiến ra biển, bỏ lại tiếng chào ý ới của vài cô chú và ánh nhìn lạ lẫm của mấy anh thanh niên. Hành trình lặn biển chính thức bắt đầu.
TRẢI NGHIỆM LẶN BIỂN CÓ ỐNG THỞ TẠI AN THỚI
Thuyền nhìn đơn sơ song cũng đủ đồ bảo hộ, ống thở để lặn, cần câu và bình nước đầy ắp. Sóng tháng 6 chưa dữ dội, nhưng người chưa quen đi biển chỉ biết bám chặt vào mạn thuyền mong cho mau đến nơi để không say. Thuyền chú Tư len lỏi qua đường nước, lướt cạnh các tàu cỡ lớn đang chở du khách nước ngoài từ bãi lặn trở về. Trông họ có vẻ hài lòng, nhiều người còn bàn luận có vẻ sôi nổi lắm. Các chiếc tàu lớn thỉnh thoảng nằm án ngữ trên đường, người người ngồi trên đó và cũng mưu sinh trên đó.
Sau 30 phút lướt sóng, chúng tôi đến bãi lặn ở hòn Dăm Trong. Từ thuyền nhìn ra, các hòn đảo với đá tảng chồng lên nhau hùng dũng chắn ngang các dòng chảy của đại dương, tạo nên một địa thế chắn sóng tuyệt vời. Dưới tầng tầng lớp lớp các hòn đá, nhiều loài thủy sinh như san hô, cá nước mặn chọn chốn này làm nơi trú ngụ.
Thuyền chúng tôi neo đậu gần một bãi đá chồng, mực nước thấp tới ngang hông. Cây cối phủ cả đảo bằng một sắc xanh đậm của rừng già, rễ cây len lỏi trong các ngách đá làm nơi trú ngụ của các loài động vật. Dù biển tháng 6 có đục màu hơn vì mưa, song bạn có thể nhìn rõ hàng đàn cá đang bơi lội ở đây. Đeo ống thở và kính lặn vào, sau đó men theo các bờ đá, bạn sẽ thấy một thế giới khác ngay trước mắt. Sau 10 -15 phút lặn chán chê, chúng tôi nằm dài trên các tảng đá và nhìn ngắm xung quanh. Cảnh vật trước mắt thay nhau khoe sắc màu tinh khôi của biển, hùng vĩ và đầy choáng ngợp.
Sau chuyến lặn biển, chúng tôi được chú Tư chở dạo một vòng tham quan các đảo ở An Thới. Eo biển hút mắt cuộn vào màn mây xám, chừng như sắp mưa. Tàu thuyền lũ lượt giăng buồm bắt đầu ra khơi. Chú Tư bảo họ đang chờ một mẻ chài to trong con trăng này, tàu lớn đi tầm 2 tháng mới về tới đảo, lúc ấy thì tôm cá đã đầy khoang. Một mẻ lớn như vậy cũng hơn chục triệu là ít. Cảng ở đây là nơi neo đậu của loạt tàu từ trong vùng đến xứ khác: Kiên Giang có, Cà Mau có, thỉnh thoảng lại có vài chiếc từ Cam-pu-chia đậu nhờ. Ai nấy đều mặn mòi chai sạn một vẻ của dân đi biển. Họ trông có vẻ e dè với người ngoại quốc nhưng không ngại một câu chào “Hello” với nụ cười tươi rói và chất phác.
Trời về chiều, nắng đã bớt đi cái gay gắt và mấy con sóng cứ vỗ vào mạn thuyền như chơi ú tim vậy. Thi thoảng chúng lại chồm lên người ta mà bắn nước văng tung tóe.
Chúng tôi trở về cảng cá An Thới. May thay, xe vẫn còn đấy, chưa bị ai cuỗm đi mất. Hành trình lặn biển ở xứ nam đảo Phú Quốc khép lại với nhiều kỷ niệm đẹp và câu nói rất mực mời mọc của chú Tư: “Chú em đi chơi vui. Dịp nào xuống đây, đông hơn tý thì chú tính rẻ cho”.